107 lượt xem

Các bước cứu người bị đau tim ai cũng nên biết

Biết rõ các triệu chứng

Đối với các trường hợp cấp cứu y tế như đau tim, mọi người nên biết rõ các triệu chứng.

Các triệu chứng của cơn đau tim rất đa dạng và rất khó hiểu trong thời khắc đó do người bệnh quá hoảng sợ.

Thông thường, khi cơn đau tim xảy ra, mọi người cảm thấy đau ngực khủng khiếp như bị đè ép, hoặc bị bóp chặt hoặc căng tức ở tim. Cơn đau thường ở giữa ngực, theo Times of India.

Cảm giác đau cũng xảy ra ở hàm, vai, cánh tay, bụng và cả ở lưng.

British Redcross Society cho biết: “Cơn đau này xảy ra do sự tắc nghẽn chặn đường di chuyển của máu đến cơ tim. Cơn đau vẫn không thuyên giảm khi nghỉ ngơi”.

Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, yếu và tê – thường ở cánh tay trái.

Họ cũng sẽ ngất xỉu và đổ mồ hôi rất nhiều.

Các bước cấp cứu cơn đau tim

Ngay khi gặp các triệu chứng đau tim ở một người, bạn đừng lãng phí giây phút nào mà hãy bắt đầu hành động ngay lập tức. Hành động càng nhanh, người bệnh càng có nhiều cơ hội được cứu sống.

1. Gọi cấp cứu ngay lập tức

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt, theo Times of India.

Mặc dù đã được sơ cứu kịp thời, người bệnh vẫn cần được hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt.

2. Giúp người bệnh ngồi xuống

Ngay sau khi gọi cấp cứu, hãy giúp người bệnh ngồi thoải mái, tốt nhất là tư thế nửa ngồi nửa nằm. Ngồi làm giảm căng thẳng cho tim và giảm nguy cơ gục xuống do cơn đau tim.

3. Nói chuyện với người bệnh

Trong khi chờ xe cấp cứu, hãy nhẹ nhàng nói chuyện với người bệnh. Động viên, trấn an, giúp người bệnh hy vọng rằng mọi thứ vẫn ổn và họ đang được cứu.

4. Hồi sức tim phổi

Hồi sức tim phổi là quy trình cấp cứu bao gồm ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh bất tỉnh, hãy tiến hành hồi sức tim phổi. Nếu người bệnh không thở hoặc không bắt được mạch, hãy bắt đầu thủ thuật này để giữ cho máu lưu thông.

Các chuyên gia tại Mayo Clinic hướng dẫn cho người bệnh nằm ngửa, dùng bàn tay ấn mạnh và nhanh vào giữa ngực của người bệnh với tốc độ khá nhanh – khoảng 100 – 120 lần mỗi phút, nghĩa là ấn liên tục khoảng 2 cái trong mỗi giây.

Ấn ngực 30 lần rồi mở đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa trán người bệnh và thổi hơi 2 lần. Rồi lại tiếp tục ấn ngực, rồi thổi hơi, nên làm liên tục và không được gián đoạn.

Cần lưu ý ngay cả khi người bệnh đã có vẻ ổn, đừng trì hoãn việc đưa người bệnh đi bệnh viện. Rất cần phải kiểm tra kịp thời để sớm điều trị cho bệnh nhân, theo Times of India.