114 lượt xem

Viêm tai giữa cấp ở trẻ và những điều cần biết

Viêm tai giữa cấp thường xảy ra với trẻ ở độ tuổi 6-36 tháng. Bệnh tiến triển khá nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng xấu, ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Cũng bởi vậy, điều trị bệnh như thế nào là điều mà rất nhiều bố mẹ quan tâm.

Viêm tai giữa cấp là gì?

Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn xảy ra ở hệ thống tai giữa và hòm nhĩ, dưới tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,…Bệnh được chia thành 3 giai đoạn gồm: viêm tai giữa xuất tiết, viêm tai giữa sung huyết và viêm tai giữa có mủ.

Về vị trí, tai giữa nằm ở sau màng nhĩ, có chức năng truyền âm thanh từ tai ngoài vào tai trong. Sẽ rất hạn chế nếu khám viêm tai giữa cấp bằng mắt thường. Cũng bởi vậy, khi trẻ bị viêm tai giữa cấp tính, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ nội soi tai, chẩn đoán và điều trị cho con.

Vị trí tai giữa

Vị trí tai giữa 

Vì sao trẻ 6-36 tháng dễ bị viêm tai giữa cấp?

Thực tế hiện nay cho thấy, bệnh viêm tai giữa cấp thường hay xảy ra ở trẻ em giai đoạn 6-36 tháng tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do:

– Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ yếu, không ngăn chặn được các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.

– Cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn chỉnh, vòi nhĩ ngắn, lại nằm ngang nên vi khuẩn và các dịch tiết ở mũi họng dễ lan lên tai giữa.

– Trẻ nhỏ dễ bị viêm mũi họng, nhất là khi thay đổi thời tiết. Viêm mũi họng kéo dài dễ gây biến chứng viêm tai giữa.

– Mẹ có thói quen cho bé bú nằm khiến sữa dễ bị đẩy ngược vào tai, gây viêm tai giữa.

Nguy cơ viêm tai giữa cấp khi trẻ bú nằm 

Triệu chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ

Viêm tai giữa cấp là bệnh có tốc độ tiến triển khá nhanh. Do đó, bố mẹ cần phải để ý các triệu chứng của con để đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Trẻ em thường có các dấu hiệu viêm tai giữa cấp như:

– Trẻ hay lắc đầu, kéo tai, gãi tai

– Trẻ phản ứng kém với âm thanh

– Tai trẻ có dịch vàng và mủ chảy ra

– Trẻ quấy khóc hơn ngày thường, khó ngủ

– Trẻ bỏ bú sữa, xuất hiện nôn trớ

– Trẻ bị tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon

– Trẻ bị sốt: có thể sốt nhẹ, sốt vừa hay sốt cao từ 39- 40 độ C

– Triệu chứng đau tai, đau đầu hoặc giảm thính lực tạm thời thường xảy ra ở trẻ lớn

Trẻ bị viêm tai giữa cấp hay kéo tai, gãi tai vì khó chịu

Trẻ bị viêm tai giữa cấp hay kéo tai, gãi tai vì khó chịu

Mặc dù viêm tai giữa cấp ở trẻ là bệnh lành tính nhưng bố mẹ không nên chủ quan vì các biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ suốt đời. Ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bị bệnh, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ hoặc gọi đến tổng đài 1800.646866 để được dược sĩ hỗ trợ tư vấn.

Biến chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ

Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa cấp không gây ra các biến chứng lâu dài. Tuy nhiên nếu không được điều trị dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng nghe và sức khỏe lâu dài của trẻ. Một trong số các biến chứng thường gặp nhất bao gồm:

Làm giảm thính giác

Thông thường tình trạng mất thính lực nhẹ có thể xuất hiện và tự biến mất khi khỏi viêm tai giữa cấp. Tuy nhiên bệnh có thể lặp đi lặp lại, hoặc phát mủ trong tai giữa dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và mất thính lực vĩnh viễn.

Chậm nói hoặc chậm phát triển

Nếu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội và phát triển.

Thủng màng nhĩ

Hầu hết tình trạng thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ, nhưng cũng nhiều trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật.

Viêm não hoặc màng não

Nếu tình trạng viêm tai giữa cấp không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với điều trị có thể lây lan sang các mô lân cận gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm.

Viêm tai giữa nghiêm trọng cũng có thể lây lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc các màng bao quanh não gây viêm màng não.

Viêm tai giữa có thể gây biến chứng viêm não hoặc màng não

Cách điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Tùy từng giai đoạn viêm tai giữa cấp ở trẻ em mà phương pháp điều trị bác sĩ đưa ra cũng sẽ có sự khác nhau:

Giai đoạn sung huyết

Vi khuẩn gây ra bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ chủ yếu là phế cầu, Hemophilus Influenza, liên cầu,…Do đó, bác sĩ sẽ kê cho trẻ một số loại thuốc chống viêm, hạ sốt như:

– Kháng sinh: Các kháng sinh thường được dùng cho trẻ viêm tai giữa cấp như: amoxicillin, augmentin, azithromycin, các cephalosporin thế hệ I,II, III. Thời gian sử dụng thuốc là 7 ngày, chú ý khi điều trị kháng sinh khoảng 3-4 ngày thấy các triệu chứng đã hết vẫn tiếp tục cho trẻ uống hết đủ liều 7 ngày thuốc, tránh trường hợp vi khuẩn kháng lại kháng sinh.

– Giảm đau, hạ sốt: Có thể dùng các thuốc như paracetamol hay ibuprofen để giảm đau tai và giảm sốt cho trẻ (khi trẻ sốt trên 38,5 độ C). Lưu ý chườm ấm cho trẻ khi sốt, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chườm ấm vào vùng tai cho trẻ.

Giai đoạn ứ mủ

Đây là giai đoạn tiếp theo của giai đoạn sung huyết. Lúc này mủ ứ đọng trong tai giữa làm màng nhĩ căng phồng gây đau đớn và sốt cao.

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện phương pháp trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ cho trẻ. Đồng thời, kê cho bé một số loại thuốc điều trị như trong giai đoạn sung huyết.

Phương pháp trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ 

Giai đoạn vỡ mủ

Đến thời kỳ này, dịch mủ ứ đọng bên trong tai giữa của trẻ sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra bên ngoài qua ống tai ngoài. Do đó, màng nhĩ của trẻ sẽ bị thủng. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ áp dụng phương pháp đặt ống thông nhĩ (Diablo) cho trẻ trong giai đoạn này.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa cấp ở trẻ

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi bệnh viêm tai giữa cấp với các biện pháp sau:

– Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa hoặc khi trời lạnh, chú ý quàng khăn cổ, đeo khẩu trang cho con khi đi đường.

– Tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang có dấu hiệu của bệnh cảm lạnh, bệnh viêm đường hô hấp, hay cũng đang bị viêm tai giữa. Trong trường hợp bố mẹ mắc bệnh, nên hạn chế ôm hôn trẻ, tránh lây nhiễm bệnh cho con.

– Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ có chứa các kháng thể có thể bảo vệ khỏi viêm tai giữa.

Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời

– Hạn chế cho trẻ ngậm bình sữa hoặc núm vú giả, tránh để trẻ bị sặc, trớ, hạn chế để nước lọt vào tai trẻ khi tắm, gội.

– Cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đặc biệt là vắc xin ngừa cúm và phế cầu. Đây là những tác nhân dễ gây viêm đường hô hấp và viêm tai giữa cấp cho trẻ.

Qua bài viết trên, Thuốc tốt 3 miền hy vọng ba mẹ đã có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bị bệnh, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ hoặc gọi đến tổng đài 1800.646866 để được dược sĩ hỗ trợ tư vấn.