125 lượt xem

Bệnh tay chân miệng ở trẻ và dấu hiệu nhận biết

Mùa hè bắt đầu cũng là lúc nhiều dịch bệnh ở trẻ em bùng phát, trong đó có bệnh tay chân miệng. Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều cơ bản và quan trọng mà bố mẹ cần phải làm để bảo vệ con yêu. Đặc biệt, cần theo dõi sát sao, kịp thời nhận ra dấu hiệu bệnh để được điều trị đúng cách.

Bệnh tay chân miệng là gì? 

Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt và phát ban chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng đặc biệt hơn các bệnh lý khác do biến chứng của bệnh có thể trở nặng chỉ sau vài giờ. Cha mẹ cần chú ý sát sao trong việc chăm sóc trẻ để có thể nhận biết sớm bệnh lý. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:

Sốt kèm theo đau họng

Khi mắc bệnh tay chân miệng, triệu chứng ban đầu ở trẻ có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Trẻ cảm giác khó chịu và xuất hiện tình trạng biếng ăn, quấy khóc,… thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc). Những dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp nên có không ít bậc phụ huynh chủ quan.

Nổi ban trên da

Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị bệnh chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.

Loét miệng

Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng vỡ sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường.

Giật mình

Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Trẻ bị tay chân miệng có các nốt ban đỏ trên da

Biến chứng bệnh tay chân miệng

Mặc dù hầu hết các trường hợp bệnh tay chân miệng đều được điều trị và hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng cũng có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời như:

Viêm não

Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh tay chân miệng. Biến chứng này có thể xảy ra khi virus tay chân miệng xâm nhập vào hệ thống thần kinh, gây ra viêm nhiễm và sự suy thoái của các tế bào thần kinh. Viêm não có thể gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, ói mửa, khó chịu, mất cân bằng.

Viêm phổi

Bệnh tay chân miệng cũng có thể gây ra viêm phổi ở trẻ nhỏ và người lớn. Biến chứng này có thể gây ra hội chứng suy hô hấp nghiêm trọng. Nếu không được chữa trị kịp thời, viêm phổi có thể dẫn đến tử vong.

Viêm màng não

Viêm màng não xảy ra khi virus tay chân miệng xâm nhập vào màng não, gây ra sự viêm nhiễm. Biến chứng này cũng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Triệu chứng của viêm màng não bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và các triệu chứng về hệ thần kinh.

Phù phổi cấp

Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, thở nhanh, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

Viêm phổi là biến chứng của bệnh trẻ có thể mắc

Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào? 

Các loại virus gây bệnh tay chân miệng thường tồn tại trong đường tiêu hóa, nước bọt, chất dịch ở mũi, họng và các nốt bọng nước. Do đó, bệnh tay chân miệng có thể lây lan từ người này sang người khác bằng các đường như sau:

– Đường tiêu hóa như khi ăn uống chung.

– Tiếp xúc với chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.

– Đường tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus như đồ chơi, quần áo, ly chén, sàn nhà…

– Đường hô hấp như hắt xì hơi, sổ mũi, nước bọt…

Bệnh tay chân miệng thường kéo dài trong vòng 2 tuần và tuần đầu tiên phát bệnh là giai đoạn có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Do đây là giai đoạn ủ bệnh nên các triệu chứng nhận biết chưa được rõ ràng, rất dễ lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của bệnh tay chân miệng vẫn có thể kéo dài vài tuần sau khi trẻ khỏi bệnh vì virus vẫn còn tồn tại trong phân.

Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường hô hấp

Điều trị bệnh tay chân miệng 

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị bệnh được áp dụng cho trẻ là điều trị triệu chứng giúp trẻ nhanh chóng đào thải virus ra khỏi cơ thể như:

– Hạ sốt: Khi trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cần cho trẻ sử dụng ngay thuốc hạ sốt như Paracetamol. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin.

– Bù đủ nước và điện giải: Cho trẻ uống dung dịch điện giải như oresol, hydrite,.. có thể cho trẻ dùng thêm nước ép hoa quả tươi. Nếu trẻ đang bú mẹ cần tăng cường số lần và thời gian cho bú.

– Giảm ngứa: Sử dụng thuốc kháng histamin để giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu trong quá trình điều trị cho trẻ.

– Điều trị loét miệng, loét họng: Lau sạch miệng trước và sau ăn bằng dung dịch glycerin borat. Các loại gel rơ miệng có tác dụng sát khuẩn và giảm đau, giải quyết tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

– Chế độ ăn: cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Cần kiêng cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc.

– Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Bù nước và điện giải khi con mắc bệnh tay chân miệng

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng 

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng hay vaccine phòng ngừa, nên mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

– Hạn chế việc tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

– Sau khi tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay – miệng.

Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng

– Không được chọc vỡ các mụn nước hoặc bọng nước trên da trẻ vì dễ gây nhiễm trùng nặng hơn.

– Vệ sinh các đồ dùng của trẻ (như đồ chơi) và lau dọn phòng cho trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn. Cần theo dõi chặt chẽ những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

– Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng với nước sạch. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng.

– Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp ba mẹ hiểu rõ bệnh tay chân miệng. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm khá cao, ba mẹ nên xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân cho con cẩn thận và áp dụng các biện pháp phòng tránh để ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất. Nếu bé có các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, ba mẹ nên liên hệ với bác sĩ hoặc gọi đến tổng đài 1800.646866 để được hỗ trợ tư vấn.