85 lượt xem

Trị tiêu chảy tại nhà – 7 gợi ý đơn giản, dễ áp dụng, hiệu quả cao

Tiêu chảy kéo dài không những gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống và công việc mà các triệu chứng của nó còn khiến cơ thể trở nên vô cùng mệt mỏi. 7 cách trị tiêu chảy tại nhà dưới đây sẽ giúp bạn sớm thoát khỏi những rắc rối không đáng có do tiêu chảy gây ra.

Tiêu chảy là gì? 

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa được nhận biết dễ dàng bởi dấu hiệu đi ngoài phân lỏng từ 3 lần/ ngày trở lên.

Ngoài tình trạng đi ngoài nhiều hơn bình thường, người mắc tiêu chảy còn xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn mửa kéo dài…

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy

Rất nhiều người nghĩ rằng, bệnh tiêu chảy khởi phát đơn thuần chỉ do vấn đề ăn uống. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Sau đây là những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện của bệnh tiêu chảy:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột: Khi cơ thể có sự xâm nhập của mầm bệnh bên ngoài, các mô trong đường tiêu hóa sẽ bị kích thích và viêm nhiễm. Tình trạng này thường xảy ra khi ăn phải các loại thực phẩm chứa khuẩn Clostridium, Salmonella, tụ cầu hay hay ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, ăn rau sống tưới bằng phân tươi hoặc nước bẩn, ăn đồ tái, ăn gỏi, tiếp xúc với nguồn nước bẩn,… cũng có thể bị lây truyền ký sinh trùng hoặc hại khuẩn.

Ăn rau sống tưới bằng nước bẩn có thể gây tiêu chảy

  • Vệ sinh kém: Môi trường sống không sạch sẽ, điều kiện vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm trùng sinh sôi và lây lan.

  • Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: Việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm tăng nhu động ruột, giảm khả năng hấp thu dẫn đến tiêu chảy.

  • Cơ thể không thể dung nạp đường: Cơ thể không thể dung nạp được các loại đường như glucose, galactose, lactose, fructose có trong trái cây hay các thực phẩm khác, gây tiêu chảy kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

  • Ngộ độc thực phẩm: Thức ăn ôi thiu, hết hạn sử dụng, chứa nhiều chất phụ gia, nhiễm độc, nhiễm khuẩn,… là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm.

  • Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng này xảy ra do việc tiêu thụ một số loại thực phẩm không hợp với cơ thể, thay đổi thói quen ăn uống hoặc sử dụng một số loại thuốc khiến cho nhu động ruột bị co thắt quá mức, thức ăn di chuyển nhanh hơn trong đường ruột, dẫn đến tiêu chảy.

  • Viêm đại tràng: Tiêu chảy là một triệu chứng thường gặp ở những người bị viêm đại tràng – bệnh lý được gây ra bởi vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, căng thẳng, áp lực,…

Cách trị tiêu chảy tại nhà

Tiêu chảy không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc mà các triệu chứng của nó còn khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Những trường hợp tiêu chảy nhẹ, có thể áp dụng một số cách trị tiêu chảy đơn giản dưới đây, giúp người bệnh sớm thoát khỏi những rắc rối không đáng có do bệnh gây ra:

Bổ sung nước cho cơ thể

Tiêu chảy kéo dài là nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và khoáng chất. Vì vậy, khi bị tiêu chảy, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống thật nhiều nước.

Nếu tình trạng tiêu chảy diễn ra ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước hơn bình thường, uống thành từng ngụm nhỏ. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể uống nước ép trái cây. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy diễn tiến nặng hơn, ngoài việc uống nhiều nước hơn, người bệnh nên dùng thêm một số loại dung dịch bù nước, bù điện giải như orezol, oredu,…

Bù nước, điện giải bằng oredu 

Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột 

Sữa chua là lựa chọn tuyệt vời cho người bị tiêu chảy. Bổ sung sữa chua giúp tạo axit lactic có lợi cho đường ruột. Từ đó cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, giúp bạn giảm cảm giác đau bụng đi ngoài. Ngoài ra, sữa chua cũng giúp kích thích ăn ngon miệng hơn. Ngay cả khi không bị tiêu chảy bạn cũng nên bổ sung 1-2 hũ sữa chua mỗi ngày.

Bạn cũng có thể sử dụng hỗ trợ thêm các sản phẩm lợi khuẩn dưới dạng bột uống như Bitasupermin, Triplebacter,… tác dụng hỗ trợ bổ sung các lợi khuẩn, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tăng cường tiêu hóa, hỗ trợ giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột như tiêu chảy, táo bón, ăn chậm tiêu, đầy bụng.

Bổ sung lợi khuẩn đường ruột bằng sữa chua 

Uống trà hoa cúc

Uống trà hoa cúc là cách chữa tiêu chảy tự nhiên hiệu quả mà bất cứ ai cũng nên biết. Loại trà này không chỉ giúp chống viêm mà còn giúp giảm co thắt, hỗ trợ tốt cho các bệnh lý gây tiêu chảy như: viêm đại tràng, viêm ruột….

Cách thực hiện:

  • Bạn có thể mua trà đóng gói hoặc ngâm một muỗng cà phê hoa cúc với lá bạc hà trong nước sôi khoảng 15 phút.

  • Uống ba tách trà hoa cúc sẽ giúp tình trạng tiêu chảy thuyên giảm đáng kể

Dùng vỏ cam

Vỏ cam hỗ trợ tăng cường chức năng tiêu hóa, cầm tiêu chảy hiệu quả. Lượng lớn chất xơ pectin trong vỏ cam giúp điều chỉnh nhu động ruột, cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Nhờ đó cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng…

Cách thực hiện

  • Vỏ cam thái chỉ, đem phơi khô

  • Khi dùng cho vài lát vỏ cam khô hãm với nước nóng.

  • Có thể thêm mật ong và thưởng thức

Dùng búp hoặc lá ổi non

Tanin có trong lá hoặc búp ổi non không chỉ giúp niêm mạc ruột được làm săn mà còn kháng khuẩn, kích thích cơ trơn của ruột và giảm tiết dịch của dạ dày. Nhờ những điều này mà nó giúp giảm đau bụng do tiêu chảy gây ra.

Để chữa tiêu chảy tại nhà bạn hãy:

  • Lấy một nắm nhỏ búp hoặc lá ổi non đem sắc cùng 2 bát nước, để lửa nhỏ khoảng 15 phút sau đó đợi nguội thì chắt lấy nước uống.

  • Làm như vậy nhiều lần trong ngày và duy trì đều đặn khoảng 5 – 7 ngày.

Uống nước hồng xiêm xanh

Theo Y học cổ truyền, hồng xiêm mang vị ngọt, tính mát; có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, nhuận tràng, hỗ trợ rối loạn tiêu hóa.

Đặc biệt, trong hồng xiêm xanh chứa thành phần Tanin – một chất trị đau bụng tiêu chảy cấp tốc.

Cách thực hiện:

  • Cắt quả hồng xiêm xanh thành các lát mỏng

  • Phơi khô rồi sao vàng hồng xiêm xanh

  • Mỗi lần lấy 10 lát sắc lấy nước

  • Uống ngày 2 lần

Uống nước hồng xiêm xanh hỗ trợ điều trị tiêu chảy cấp tốc 

Sử dụng Việt quất

Trong việt quất có chứa hoạt chất anthocyanosides có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, rất tốt trong điều trị tiêu chảy. Ngoài ra, loại quả này cũng chứa hợp chất giúp làm se, giảm viêm, giảm bài tiết chất nhầy, chất lỏng khi bị tiêu chảy.

Cách trị tiêu chảy bằng việt quất rất đơn giản, bạn có thể uống nước ép từ loại quả này, ăn việt quất với chuối, yến mạch giúp hỗ trợ tiêu hóa và nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh.

Lưu ý khi chữa tiêu chảy tại nhà 

Các cách điều trị tiêu chảy tại nhà hầu hết đều mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh. Tuy vậy, bạn vẫn cần nắm rõ một số lưu ý quan trọng sau:

  • Ưu tiên bù nước trước khi thực hiện bất kỳ một giải pháp điều trị nào. Bởi tiêu chảy có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

  • Các cách cầm tiêu chảy kể trên chỉ hỗ trợ người bệnh giảm triệu chứng khó chịu đi kèm tiêu chảy chứ không chữa tận gốc căn nguyên gây bệnh.

  • Trường hợp bị tiêu chảy nặng (hơn 8 lần/ngày) và có các triệu chứng như: phân đen có lẫn máu, nôn mửa, sốt cao, chân tay lạnh, nước tiểu màu đậm… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

  • Người bị tiêu chảy cần tránh xa thực phẩm làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng như sữa, phô mai, cà phê, rau sống, gỏi, mắm tôm… Thay vào đó, có thể bổ sung tinh bột như: ngũ cốc, bột sắn nấu chín…

Tiêu chảy tuy không phải là một bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những hệ lụy khôn lường. 7 cách cầm tiêu chảy trên đây là những gợi ý giúp bạn đẩy lùi căn bệnh khó chịu này. Nếu có bất kỳ băn khoăn gì, hãy liên hệ ngay đến tổng đài miễn cước 1800.646866 để được dược sĩ tư vấn hỗ trợ.